Văn hóa Á Đông, trong đó có Việt Nam, vốn không mấy quen thuộc với loại kẹo có vị béo bùi lại nhưng những đắng như socola. Song, những năm trở lại đây, socola đã dần trở thành một trong những thức quà được ưa chuộng. Để có thể chiếm được lòng tin yêu của thực khách Việt, socola tại Việt Nam đã phải trải qua khá nhiều thăng trầm.
Nguồn gốc của socola
Socola đã được làm ra và sử dụng 2000 năm trước bởi những cư dân cổ Olmec, Maya, Aztec của vùng nhiệt đới Trung Mỹ. Họ sử dụng hạt cacao: lên men, sấy và nghiền nhuyễn chúng ra, trộn chung với hỗn hợp bột ngô và ớt để tạo thành một loại thức uống và gọi nó là Xocolatl, mà ngày nay người Mexico gọi là món “Chilate”. Đến khoảng thế kỷ thứ 15, người Tây Ban Nha bắt đầu xâm chiếm vùng Trung Mỹ và biết đến món ăn này. Thế là cùng với những người lính Tây Ban Nha, cacao và Xocolatl vượt biển để đến với Châu Âu. Ban đầu, Xocolatl được người Tây Ban Nha dùng để trị các loại bệnh tiêu hóa bởi vị đắng của nó. Cho đến khi họ bắt đầu thêm đường hoặc mật ong vào thì Xocolatl nhanh chóng được biết đến và yêu thích bởi giới thượng lưu. Sự yêu thích dành cho Xocolatl nhanh chóng lan rộng ra khắp Châu Âu và từ đó, hàng loạt các biến âm của “Xocolatl” xuất hiện, từ “Chocolat”, “Chocolate” đến “Socola”,…
Sô-cô-la chỉ chính thức được tiêu thụ rộng rãi hơn khi nhà hóa học người Hà Lan Coenraad Johannes van Houten chế ra phương pháp ép bơ cacao khiến việc sản xuất và chế biến socola trở nên dễ dàng hơn vào năm 1828.